Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Chuyên đề chuẩn mực kế toán



Chuẩn mực kế toán (gọi đầy đủ là chuẩn mực kế toán tài chính) hiểu theo nghĩa hẹp, là một hệ thống các quy định kế toán bắt nguồn từ các quốc gia Anglo-Saxon, bao gồm các nguyên tắc và hướng dẫn trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán thường được được phát triển theo kiểu:
- Các chuẩn mực không ra đời cùng một lúc như một hệ thống, mà hình thành theo yêu cầu của thực tế và khả năng giải quyết vấn đề của tổ chức lập quy.
- Mỗi chuẩn mực chỉ giải quyết một hoặc một số vấn đề kế toán.
Chính vì lý do trên mà khuôn mẫu lý thuyết kế toán đã ra đời để tạo lập một nền tảng cho các chuẩn mực, một mặt giảm thiểu khả năng mâu thuẫn về phương pháp luận giữa các chuẩn mực và mặt khác, tạo cơ sở xử lý những vấn đề mà chuẩn mực chưa quy định.
Những năm gần đây, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) và một số tổ chức lập quy ban hành chuẩn mực kế toán với tên gọi “chuẩn mực báo cáo tài chính”. Về thực chất không có sự khác biệt, ngoại trừ định hướng hội tụ kế toán quốc tế, theo hướng hình thành một hệ thống chuẩn mực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vốn quốc tế.
Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (FASB) gần đây đã tổng hợp các chuẩn mực kế toán tài chính riêng biệt, thay thế bằng một hệ thống gọi là Accounting Standards Codification, với 9 nhóm chuẩn mực phân theo chủ đề.
Các chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành từ năm 2001 như một nỗ lực hội nhập quốc tế về kế toán. Trong những năm qua, có 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành. Các chuẩn mực kế toán Việt Nam được biên soạn trên nền tảng chuẩn mực kế toán quốc tế của IASB có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Để có thể áp dụng vào thực tế phù hợp với các chế độ kế toán Việt Nam (được ban hành dưới tên gọi Hệ thống kế toán doanh nghiệp), các chuẩn mực được hướng dẫn bởi các thông tư của Bộ Tài chính.
Mặc dù vậy, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp dựa vào Hệ thống kế toán Việt Nam hơn là các chuẩn mực. Việc giảng dạy kế toán tại nhiều trường đại học cũng tập trung vào hệ thống tài khoản kế toán hơn là tiếp cận từ chuẩn mực.
Chuyên đề chuẩn mực kế toán Việt Nam được trình bày với mục đích cung cấp thông tin và thảo luận về các chuẩn mực, nhằm giúp các thầy cô có điều kiện nghiên cứu sâu hơn vấn đề này, phục vụ cho việc giảng dạy trên nền tảng chuẩn mực.
Vì thời gian ngắn, nên trong mỗi chuẩn mực chỉ trình bày 2 vấn đề chính:
- Các nguyên tắc cơ bản (dùng khuôn mẫu lý thuyết để giải thích)
- Các vấn đề phức tạp hay còn tranh luận
Dự kiến nội dung các buổi như sau:
Buổi 1: Trình bày BCTC phần 1
- VAS 21 (Trình bày BCTC)
- VAS 23 (Sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm)
- VAS 26 (Các bên liên quan)
Buổi 2: Trình bày BCTC phần 2
- VAS 27 (BCTC giữa niên độ),
- VAS 28 (BCTC bộ phận)
- VAS 29 (Thay đổi CSKT, ƯTKT và SS)
- VAS 30 (Lãi trên cổ phiếu)
Buổi 3: Các yếu tố BCTC phần 1
- VAS 2 (Hàng tồn kho),
- VAS 3 (TSCĐ hữu hình)
- VAS 5 (Bất động sản đầu tư)
Buổi 4: Các yếu tố BCTC phần 2
- VAS 4 (TSCĐ vô hình)
- VAS 6 (Thuê tài sản)
- VAS 10 (Tỷ giá)
- VAS 18 (Dự phòng phải trả)
Buổi 5: Các yếu tố của BCTC phần 3
- VAS 14 (Doanh thu)
- VAS 15 (HĐ xây dựng)
- VAS 16 (CP đi vay)
- VAS 17 (Thuế TNDN)
Phụ trách về chuyên đề này là TS. Vũ Hữu Đức và TS. Nguyễn Thị Kim Cúc.

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Chia sẻ tài liệu - Kế toán công cụ tài chính


Kế toán công cụ tài chính là một thách thức lớn cho chúng ta vì khối lượng những khái niệm rất nhiều và chuẩn mựclại khá khó hiểu. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, một thành viên của chương trình sinh hoạt chuyên môn gửi đến các thầy cô một tài liệu học tập giới thiệu về vấn đề một cách dễ hiểu kèm theo các bài tập và thí dụ.
Link:
http://www.mediafire.com/?uh8sfxruy5272ax
Cảm ơn cô Hiền và trân trọng giới thiệu với các thầy cô.

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Chia sẻ tài liệu - Chuẩn mực kế toán công quốc tế



Thầy Nguyễn Chí Hiếu, một thành viên có nhã ý gửi đến các thầy cô một tài liệu về kế toán khu vực công theo chuẩn mực quốc tế.
Link:
http://www.mediafire.com/?9wdm9qw259b9xpq
Ngoài ra, các thầy cô quan tâm lĩnh vực này có thể tìm thấy nhiều tài liệu của Uỷ ban Chuẩn mực Kế toán khu vực công (thuộc IFAC) tại website sau:
http://www.ifac.org/PublicSector/

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Phân tích chiến lược



Phân tích chiến lược là điểm khởi đầu của phân tích báo cáo tài chính vì nó cho phép đặt doanh nghiệp trong bối cảnh của ngành nghề cũng như các định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Không có phân tích chiến lược, việc phân tích kế toán hay phân tích tài chính sẽ mang tính “võ đoán” hơn là những hiểu biết cụ thể về doanh nghiệp.
Thí dụ:
Một công ty có tỷ suất sinh lời trên doanh thu là 2% có thể bị đánh giá là thấp. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh một ngành nghề đang có cạnh tranh dữ dội do cầu giảm sút thì mức sinh lời đó là mơ ước của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Hoặc ngay cả khi tỷ suất sinh lời trên doanh thu bình quân của ngành là 6% thì mức2% của doanh nghiệp cũng không thể đánh giá là kém nếu biết rằng doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng giá thấp để có thể đạt một số vòng quay tài sản lớn hơn.
Phân tích chiến lược bao gồm phân tích ngành, phân tích chiến lược cạnh tranh và phân tích chiến lược công ty.
  • Phân tích ngành dựa trên việc xem xét tình hình phát triển và cạnh tranh của ngành nghề. Mô hình Five Forces của Porter là một công cụ có thể giúp đánh giá được vấn đề này. Thí dụ, những ngành có mức độ tập trung cao sẽ ít có cạnh tranh hơn vì dễ có sự thoả hiệp giữa các doanh nghiệp trong ngành. Hoặc những ngành nghề có định phí lớn thường cạnh tranh gay gắt hơn do các doanh nghiệp có thể chấp nhận một giá bán thấp miễn là đủ bù đắp định phí không thể tránh khỏi.
  • Phân tích chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp tập trung vào việc xem xét doanh nghiệp đã chọn cho mình cách thức nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh của ngành. Mặc dù có những ý kiến tranh luận, ba chiến lược cạnh tranh chủ yếu mà Porter đưa ra cũng giúp đánh giá được vấn đề này. Thí dụ, một doanh nghiệp có thể chọn lựa chiến lược cạnh tranh dựa trên sự khác biệt sản phẩm, dịch vụ trong khi một doanh nghiệp khác dựa trên chi phí thấp để cạnh tranh.
  • Phân tích chiến lược công ty là xem xét cách thức một công ty đa ngành đã vận hành thế nào để phát huy lợi thế này trong phát triển, hoặc ngược lại đã thất bại trong chiến lược đa ngành của mình.

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Nguồn báo cáo tài chính



Một trong những tư liệu quan trọng cho nghiên cứu về phân tích báo cáo tài chính là báo cáo tài chính của các công ty. Có 2 dạng báo cáo tài chính có thể tìm kiếm và sử dụng để nghiên cứu:
  • Báo cáo tài chính tóm tắt. Đây là dạng rút gọn chỉ bao gồm các khoản mục cơ bản của Bảng cân đối, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Sử dụng dạng báo cáo này cho phân tích qua nhiều năm. Thí dụ, khi nghiên cứu về chính sách tài chính của Intel trong 10 năm. Ưu điểm của dạng này là không mất nhiều thời gian đọc và lựa chọn, các thông tin được xử lý theo một nguyên tắc thống nhất nên đảm bảo khả năng so sánh.
  • Báo cáo tài chính đầy đủ. Sử dụng dạng báo cáo này để tím hiểu sâu về công ty khảo sát vì sẽ có điều kiện đọc thêm nhiều thông tin khác.
Để có báo cáo tài chính tóm tắt của các công ty lớn trên thế giới (Microsoft, Intel, Google...), sử dụng trang: http://finance.yahoo.com/ hoặc http://www.google.com/finance. Các thầy cô nhập những chữ đầu của tên công ty và chọn trên danh sách được sổ xuống. Trên các trang này thường có mục Competitors hoặc Related Companies để tìm kiếm thông tin về các đối thủ cạnh tranh hoặc các công ty cùng ngành.
Để có báo cáo tài chính đầy đủ, các thầy cô vào trang web chính thức của công ty (có thể tìm trên google hoặc ngay trên hai trang tìm kiếm đã nêu ở trên. Xem mục Investor Relations, tìm phần Financial Statements hoặc SEC Filings (mẫu 10K là báo cáo năm và 10Q là báo cáo quý). Hiện nay nhiều công ty cung cấp file download dưới dạng pdf, doc và xls để tiện sử dụng.
Đối với báo cáo tài chính các công ty niêm yết Việt Nam, có nhiều trang web cung cấp; thí dụ http://cafef.vn. Các thầy cô cũng có thể tìm trên website chính thức của công ty, mặc dù không phải lúc nào cũng có.



Bài tập tự đánh giá - Phân tích BCTC 3



Mời các thầy cô tham gia bài tập tự làm cho phần Phân tích hoạt động đầu tư và Phân tích hoạt động kinh doanh.
Link 1:
http://hotfile.com/dl/127315161/28f34f0/bai_tap_tu_lam.rar.html
Link 2:
http://www.mediafire.com/?gec3k7c77mpewhp

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Tài liệu chuyên đề phân tích 3 (tiếp theo)



Phân tích vốn lưu chuyển thuần là một phần của phân tích hoạt động kinh doanh kết hợp với các hoạt động khác. Xin gửi đến các thầy cô slide phần trình bày về phân tích vốn lưu chuyển thuần (working capital)
Link 1: (đã cập nhật file mới)
http://www.mediafire.com/?xal3p7pbu6sedpa

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Tài liệu chuyên đề phân tích báo cáo tài chính 3



Xin chuyển đến các thầy cô slide bài trình bày phân tích hoạt động kinh doanh.
Link 1: (đã cập nhật file mới)
http://www.mediafire.com/?92n3y8nd0zsxfl2

Tham gia bài tự đánh giá


Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, một thành viên của Chương trình gửi bài phân tích BCTC của FPT. Xin chuyển đến các thầy cô để tham khảo.
Link:
http://hotfile.com/dl/127074941/e39d8fa/Phan_tich_FPT.rar.html
Cảm ơn cô Bích và xin giới thiệu với các thầy cô.

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Phân tích kế toán


Phân tích kế toán là gì?
Phân tích kế toán – gọi một cách đầy đủ là phân tích báo cáo tài chính dưới góc độ kế toán – là việc đánh giá các chính sách kế toán được sử dụng để lập báo cáo tài chính; qua đó giúp nhà phân tích xem xét khả năng cung cấp thông tin trung thực và có thể so sánh của báo cáo tài chính.
Thí dụ:
Khi đọc báo cáo tài chính của một doanh nghiệp kinh doanh thức ăn nhanh qua mạng lưới các cửa hàng, nhà phân tích cần chú ý việc doanh nghiệp đã ghi nhận hợp đồng thuê các cửa hàng như thế nào? Lý do là phần lớn các cửa hàng này có được qua những hợp đồng thuê dài hạn, không có quyền hủy ngang. Doanh nghiệp có thể lợi dụng vùng xám của các quy định kế toán để ghi nhận như một khoản thuê hoạt động. Điều này làm xuất hiện khả năng báo cáo tài chính không phản ảnh đầy đủ các khoản nghĩa vụ phải trả của doanh nghiệp; từ đó sẽ làm người đọc đánh giá sai về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Một tác dụng nữa của phân tích kế toán là giúp nhà phân tích tiến hành các kỹ thuật điều chỉnh, lập lại báo cáo tài chính (restatement) để tăng chất lượng của báo cáo tài chính.
Thí dụ:
Tiếp tục trường hợp của doanh nghiệp kinh doanh thức ăn nhanh nói trên, nhà phân tích sẽ đọc thuyết minh báo cáo tài chính để lấy thông tin về các hợp đồng thuê hoạt động không có quyền hủy ngang, từ đó điều chỉnh lại báo cáo tài chính bổ sung các hợp đồng trên như những hợp đồng thuê tài chính. Các tỷ số sẽ được tính toán lại để cung cấp một góc nhìn mới về doanh nghiệp.
Phân tích kế toán còn hữu ích khi nghiên cứu về kế toán quốc tế. Các nhà phân tích xem xét báo cáo tài chính của các công ty được lập theo những chuẩn mực kế toán khác nhau, điều chỉnh lại sự khác biệt về chính sách kế toán để so sánh và định lượng mức độ chênh lệch của các tỷ số do ảnh hưởng của chính sách kế toán.
Một số câu hỏi thường gặp:
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, liệu có cần phải phân tích kế toán hay không?
Trong nhiều trường hợp còn tranh luận, các chính sách kế toán có thể cho phép sự lựa chọn linh hoạt về chính sách kế toán. Điều này sẽ tạo ra những vùng xám trong quy định kế toán. Khi doanh nghiệp tận dụng những kẻ hở này thì các kiểm toán viên cũng khó lòng bác bỏ cách làm của doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh lại báo cáo tài chính liệu có chính xác không?
Việc điều chỉnh chắc chắn sẽ không chính xác và cũng không yêu cầu chính xác. Nếu tận dụng những thông tin trên thuyết minh, với những ước tính gần đúng, các báo cáo tài chính đã điều chỉnh sẽ cung cấp thêm một góc nhìn khác về hoạt động của doanh nghiệp.
Thí dụ minh họa

Báo cáo tài chính của Mc'Donald 2010 thuyết minh như sau về các hợp đồng thuê của mình:
At December 31, 2010, the Company was the lessee at 13,957 restaurant locations through ground leases (the Company leases the land and the Company or franchisee owns the building) and through improved leases (the Company leases land and buildings). Lease terms for most restaurants, where market conditions allow, are generally for 20 years and, in many cases, provide for rent escalations and renewal options, with certain leases providing purchase options. Escalation terms vary by geographic segment with examples including fixed-rent escalations, escalations based on an inflation index, and fair-value market adjustments. The timing of these escalations generally ranges from annually to every five years. For most locations, the Company is obligated for the related occupancy costs including property taxes, insurance and maintenance; however, for franchised sites, the Company requires the franchisees to pay these costs. In addition, the Company is the lessee under noncancelable leases covering certain offices and vehicles.
Future minimum payments required under existing operating leases with initial terms of one year or more are:


Với thông tin trên cácnhà phân tích có thể điều chỉnh báo cáo tài chính của công ty để xác định lại tình hình tài chính của công ty.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Quan hệ giữa ROE, lãi suất và tỷ suất sinh lời



Một trong những cách đánh giá đòn bẩy tài chính là so sánh giữa lãi suất và tỷ số sinh lời của doanh nghiệp (được đo bằng lợi nhuận trước thuế và lãi vay chia cho vốn chủ sở hữu cộng vốn vay). Về lý thuyết, khi lãi suất còn nhỏ hơn tỷ số sinh lời của doanh nghiệp thì việc sử dụng đòn bẩy tài chính còn có tác dụng khuếch trương tỷ số ROE, tức là khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Ngược lại, khi lãi suất đã cao hơn tỷ số sinh lời của doanh nghiệp thì càng tăng đòn bẩy tài chính lên, ROE càng giảm do chi phí lãi vay làm cho hiệu quả kinh doanh giảm nhiều hơn mức tăng lên của đòn bẩy tài chính. Các thí dụ sau làm rõ khái niệm này.
Thí dụ 1: Hai công ty A và B có cùng tài sản, lợi nhuận và các khoản nợ không phải trả lãi nhưng cơ cấu tài chính khác nhau. Giả sử lãi suất vay là 10%.

A và B có cùng tỷ số sinh lời là 12,5% cao hơn lãi suất vay là 10%. B có mức sử dụng nợ cao hơn nên sẽ có mức ROE cao hơn. Điều này có nghĩa là trong điều kiện lãi suất đang thấp hơn tỷ số số sinh lời, việc tăng mức sử dụng nợ vay làm cho khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao hơn.
Thí dụ 2: Nếu lãi suất là 15%, bảng so sánh giữa hai doanh nghiệp sẽ thay đổi như sau:

Lúc này, lãi suất vay đã cao hơn tỷ số sinh lời. Doanh nghiệp B sẽ bất lợi hơn A vì có mức sử dụng nơ vay cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa là khi lãi suất vượt khỏi tỷ số sinh lời, doanh nghiệp B nên điều chỉnh cơ cấu tài chính của mình giống như A để giảm tổn thất ROE khi trong tình hình lãi suất bất lợi.
Thí dụ 3: Trường hợp lãi suất đúng bằng tỷ suất sinh lời là 12,5%, đòn bẩy tài chính thay đổi không tác động đến ROE.