Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Vốn hóa chi phí đi vay














Lược sử vấn đề

Một trong những chủ đề gây nhiều tranh luận trong kế toán trước đây là chi phí đi vay để phục vụ cho việc xây dựng hoặc chế tạo tài sản, sản phẩm có được vốn hóa – nghĩa là tính vào giá gốc tài sản không? Cho đến năm 2008, Vốn hóa chi phí đi vay là một điểm khác biệt giữa IFRS và US GAAP. IASB cho phép chọn một trong hai phương pháp:
  • Phương pháp chuẩn yêu cầu ghi ngay chi phí đi vay vào chi phí tài chính
  • Phương pháp thay thế yêu cầu các khoản chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến tài sản dở dang phải được vốn hóa khi thỏa các điều kiện.
Trong khi đó, FASB yêu cầu các khoản chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến tài sản dở dang phải được vốn hóa khi thỏa các điều kiện.

Trong chương trình hội tụ giữa US GAAP và IFRS, vấn đề này được đưa vào thành một dự án ngắn hạn, bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc năm 2007 khi IASB ban hành IAS 23 điều chỉnh có hiệu lực từ 1.1.2009. IAS 23 (2007) quy định đã loại bỏ lựa chọn ghi nhận toàn bộ chi phí đi vay vào chi phí trong kỳ mà yêu cầu các chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến sự hình thành tài sản phải được vốn hóa.

Ở Việt Nam, chuẩn mực kế toán số 16 “Chi phí đi vay” (VAS 16) công bố năm 2002, yêu cầu chi phí đi vay được vốn hóa và như vậy, về cơ bản là phù hợp với cách xử lý của IAS 23 (2007).

Quan điểm của IASB khi yêu cầu vốn hóa

Trong phần Cơ sở cho Kết luận (Basis for Conclusions) của IAS 23 (2008), IASB có nêu và phân tích lập luận của hai bên “ủng hộ” và “phản đối” vốn hóa. Dưới đây là một số ý chính.

Quan điểm ủng hộ vốn hóa
Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc mua, xây dựng hay sản xuất tài sản dở dang là một phần chi phí cấu thành tài sản. Khi tài sản đang xây dựng hay sản xuất, cần có nguồn tài trợ và khoản tài trợ này làm phát sinh chi phí. Giá gốc của tài sản cần bao gồm tất cả chi phí cần thiết để tài sản sẵn sàng sử dụng hay để bán, bao gồm cả chi phí để tài trợ nói trên. Vì vậy, chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc hình thành tài sản phải được vốn hóa vào giá gốc của tài sản dở dang.

Quan điểm phản đối vốn hóa
Việc xác định sự liên quan giữa chi phí đi vay với tài sản dở dang là một vấn đề không dễ dàng, vì không phải lúc nào doanh nghiệp cũng vay cho một mục đích. Vốn vay có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trong khi đó, việc ghi nhận ngay vào chi phí đơn giản hơn nhiều và không tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Tính so sánh có thể bị ảnh hưởng do việc vốn hóa. Giả sử hai doanh nghiệp xây dựng hai công trình tương tự. Doanh nghiệp thứ nhất vay và vốn hóa chi phí đi vay. Doanh nghiệp thứ hai không cần vay và do đó, không có khoản chi phí đi vay nào được vốn hóa. Như vậy, cấu trúc vốn của một doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến giá gốc của các tài sản mà nó sản xuất/xây dựng.

Giải thích của IASB
IASB cho rằng trên quan điểm giá gốc tài sản phải phản ảnh tất cả các chi phí cần thiết cho tài sản sẵn sàng sử dụng hay bán, việc vốn hóa chi phí đi vay là cần thiết.
Công thức tính toán chi phí đi vay được vốn hóa dựa trên chi phí lũy kế bình quân gia quyền của tài sản dở dang cho phép xác định chi phí đi vay liên quan đến tài sản dở dang. Để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, IASB quy định IAS 23 (2007) sẽ được áp dụng không hồi tố.
Về khả năng so sánh, IASB đồng ý rằng cách làm này ảnh hưởng đến việc so sánh giữa hai trường hợp tài trợ bằng vốn vay và tài trợ bằng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, IASB cũng cho rằng việc loại bỏ cách ghi nhận vào chi phí sẽ giúp tăng khả năng so sánh giữa tất cả các doanh nghiệp tài trợ bằng vốn vay.

Các câu hỏi đặt ra

Trong buổi hội thảo, các câu hỏi đặt ra là:

1/ Vấn đề vốn hóa chi phí đi vay sẽ áp dụng thế nào nếu một doanh nghiệp đi vay vừa có sản phẩm là tài sản dở dang vừa có các sản phẩm bình thường? Ví dụ, một công ty xây dựng vừa xây dựng các công trình có thời gian hoàn thành trên một năm (thỏa tiêu chuẩn tài sản dở dang), vừa sản xuất vật liệu xây dựng là các sản phẩm bình thường.

Trả lời: Cách thức xác định phần chi phí đi vay được vốn hóa theo VAS 16 dựa trên IAS 23 (có thể tham khảo công thức chi tiết hướng dẫn tại Thông tư 105/2003/TT-BTC) giúp tách biệt rõ phần chi phí đi vay nào quan hệ trực tiếp đến việc đầu tư tài sản dở dang:
  • Đối với các khoản vay riêng biệt, dễ dàng xác định chi phí đi vay liên quan.
  • Đối với các khoản vay chung, chỉ có các khoản chi phí đầu tư liên quan đến tài sản dở dang mới được đưa vào tính toán chi phí đi vay được vốn hóa. Các khoản chi phí đầu tư này được tính theo nguyên tắc lũy kế bình quân gia quyền nên phản ảnh khá tốt chi phí đi vay liên quan đến tài sản dở dang.
2/ Tại sao có một mốc phân biệt tài sản dở dang phải có thời gian hoàn thành là từ 12 tháng trở lên? Như vậy, cùng một công trình doanh nghiệp A hoàn thành nhanh hơn (ví dụ 11 tháng) sẽ không được vốn hóa trong khi doanh nghiệp B thi công chậm hơn thì chi phí đi vay sẽ được vốn hóa. Điều này liệu có công bằng không và có phản ảnh đúng thành quả của các doanh nghiệp không?

Trả lời: IAS 23 không quy định tiêu chí thời gian để xác định tài sản dở dang. Nguyên văn: “A qualifying asset is an asset that necessarily takes a substantial period of time to get ready for its intended use or sale”. Như vậy, nguyên tắc trọng yếu được áp dụng trong trường hợp này. Nghĩa là khi thời gian vay đủ dài thì đến mức có ảnh hưởng đến báo cáo tài chính thì tài sản sẽ được xem là tài sản dở dang.

Ở VN, để dễ áp dụng thống nhất, VAS 16 đưa ra tiêu chí thời gian là 12 tháng, điều này giúp DN đỡ xét đoán tuy nhiên chắc chắn sẽ gây những rắc rối khi vận dụng trong những trường hợp “cận ngưỡng” như ví dụ trong câu hỏi. Tuy nhiên, điều này phải chấp nhận ở VN như một “đánh đổi” cho việc dễ áp dụng, giảm sự xét đoán vốn là vấn đề thường gây tranh cãi ở VN.

Nếu gạt bỏ vấn đề “cận ngưỡng” trên mà đi vào câu hỏi công bằng và phản ảnh đúng thành quả, thì có thể lý giải như sau:
  • Trước hết cần lưu ý là ở đây không xét trường hợp thời gian thi công dài hay ngắn là do gián đoạn thi công. Vì theo VAS 16 cũng như IAS 23, phần chi phí đi vay trong giai đoạn này không được vốn hóa. Dưới đây chỉ xét trường hợp khác biệt về thời gian thi công do kỹ thuật, trình độ thi công khác nhau.
  • Xét về phương diện công bằng: Trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính thì không có tiêu chuẩn công bằng. Vấn đề là có trung thực hay không mà thôi. Khi doanh nghiệp xây cất tốn thời gian dẫn đến chi phí đi vay phải vốn hóa, thì giá trị tài sản doanh nghiệp làm ra phải tăng lên để phản ảnh đầy đủ chi phí đã tạo ra nó.
  • Xét về phương diện thành quả: Doanh nghiệp A thi công nhanh hơn sẽ có giá thành thấp hơn nên lợi nhuận từ kinh doanh cao hơn. Điều này nói đúng về thành quả của doanh nghiệp A. Tuy nhiên bên cạnh đó, chi phí tài chính cao hơn vì phải ghi vào khoản chi phí đi vay không được vốn hóa. Điều này sẽ dẫn đến người đọc báo cáo tài chính có thể đánh giá doanh nghiệp gánh chịu chi phí đi vay lớn hơn trong khi thực tế, chi phí đi vay của doanh nghiệp A nhỏ hơn doanh nghiệp thi công chậm B. Đây đúng là hạn chế của VAS 16 so với IAS 23. Lý do là IAS 23 chỉ căn cứ vào tính trọng yếu để quyết định.
Một bài viết về vấn đề vốn hóa chi phí đi vay khá dễ hiểu và có minh họa (tiếng Anh):

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Chuyên đề 3/2012: Cập nhật IFRS
















Do diễn giả về đề tài Kế toán quản trị bận, buổi sinh hoạt ngày 8/6/2012 chuyển sang tập trung vào chủ đề cập nhật các chuẩn mực kế toán quốc tế do thầy Nguyễn Trí Tri và cô Nguyễn Thị Ngọc Bích trình bày.

Trong phần trình bày của mình, thầy Tri đã giới thiệu tổng quan quá trình phát triển của các chuẩn mực kế toán quốc tế, các dự án đã hoàn thành, bị hủy bỏ và đang thực hiện của Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế.

Download bài trình bày: http://www.mediafire.com/?e696c7zaapo35wt

Download bản tóm tắt những thay đổi gần đây của chuẩn mực quốc tế:

Bài trình bày của cô Bích tập trung vào Dự án đổi mới chuẩn mực kế toán về doanh thu. Nhiều thông tin thú vị chung quanh việc đưa ra khái niệm và điều kiện ghi nhận doanh thu mới, trong đó tích hợp các hoạt động thay vì chia thành hai trường hợp riêng là doanh thu bán hàng và doanh thu cung cấp dịch vụ. Việc ghi nhận doanh thu theo mức độ hoàn thành nghĩa vụ cam kết với khách hàng cho phép xử lý được những giao dịch tạo ra những doanh thu phức hợp mà chuẩn mực cũ không giải quyết được một cách có hệ thống.

Download bài trình bày:

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Chuyên đề 3/2012: Vai trò Kế toán quản trị trong doanh nghiệp hiện đại

Trong buổi sinh hoạt ngày 8/6/2012, Câu lạc bộ sẽ nghe Bà Võ Thị Thu Vân trình bày về đề tài "Vai trò kế toán quản trị trong doanh nghiệp hiện đại". Bài trình bày sẽ lưu ý những điểm mới của công tác kế toán quản trị hiện nay trong doanh nghiệp bao gồm những thay đổi trong hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức công ty.

Bà Vân nguyên là Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện là Financial Controller của PepsiCo Việt Nam.