Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Giới thiệu mạng EconPapers



Mạng EconPapers nằm trong mạng RePEc liên kết nhiều nhà nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu, đào tạo trên thế giới về kinh tế học. Trong đó, kế toán cũng có rất nhiều tài liệu quý.

Thế mạnh của EconPapers là các bài báo chưa công bố (hơn 400.000 bài, trong đó hơn 350.000 bài có thể download) và gần 650.000 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học (trong đó gần 600.000 bài có thể download).

Các công cụ tìm kiếm cũng rất thuận lợi, các thầy cô thử dùng nhé.

http://econpapers.repec.org/

Chia sẻ tài liệu - Sách Kế toán tài chính nâng cao



Cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp có chuyển đến các thầy cô một tài liệu tiếng Anh về kế toán nâng cao, trong đó có 2 nội dung đáng quan tâm là:
  • So sánh IFRS, US GAAP và Indian Accounting Standards
  • Kế toán hợp nhất kinh doanh
Ngoài ra còn đề cập đến Thông tin bộ phận và một số vấn đề khác (thí dụ kế toán Nhà nước tại Ấn Độ).
Xin cảm ơn Cô Điệp và trân trọng giới thiệu với các thầy cô.

Link 1:
http://hotfile.com/dl/125055548/50a35df/49250800-Advance-Financial.pdf.html
Link 2:
http://www.mediafire.com/?yscvebfyhj9mhbc

Chương trình Thạc sĩ Kế toán (Đại học Kinh tế Luật Berlin)



Tên đầy đủ của Chương trình là Master in Financial and Managerial Accounting do Berlin School of Economics and Law (BSEL) phối hợp với Đại học Mở TPHCM tổ chức. Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh do các giáo sư từ BSEL và các trường đại học Đức giảng dạy. Bằng Thạc sĩ do BSEL cấp. Chương trình được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình hướng đến đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán tài chính và kế toán quản trị, phục vụ cho các doanh nghiệp, các công ty tư vấn và kiểm toán trong môi trường toàn cầu hóa. Cấu trúc chương trình có chú ý đến khả năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề của học viên.

Về cơ bản, chương trình gồm bốn phần chính, được giảng dạy trong 4 học kỳ (trong đó có 1 học kỳ làm luận văn tốt nghiệp). Thời gian học ngoài giờ (buổi tối và thứ bảy, chủ nhật). Học phí 7.500 USD trọn khóa.

Các học phần cơ bản

Tài chính công ty quốc tế

Phân tích dữ liệu trong kế toán

Seminar 1

Các học phần chuyên ngành

Kế toán quản trị nâng cao

Kế toán tài chính nâng cao

Một môn tự chọn trong danh sách

Seminar 2

Các học phần nâng cao

Các vấn đề chuyên sâu trong kế toán quản trị

Các vấn đề chuyên sâu trong kế toán tài chính

Nghiên cứu tình huống

Phương pháp nghiên cứu khoa học

Luận văn tốt nghiệp

Luận văn tốt nghiệp bao gồm 10.000 -15.000 từ với đề tài học thuật trong lĩnh vực đào tạo của chương trình. Học viên có 3 tháng để hoàn thành Luận văn. Luận văn sẽ được bảo vệ trước Hội đồng.

Đây là chương trình đào tạo thạc sĩ nước ngoài thứ 2 tại Việt Nam về lĩnh vực kế toán, sau chương trình Cao học Kế toán Quốc tế của Trường đại học Swinburne. Chương trình có cấu trúc chuyên sâu hơn về kế toán và định hướng nghiên cứu nhiều hơn.

Buổi Hội thảo về Chương trình sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Mở TPHCM, 97 Võ Văn Tần, vào ngày 30/7/2011.

Các thầy cô có thể tìm kiếm thêm thông tin tại các địa chỉ sau:

www.hwr-berlin.de

http://www.ou.edu.vn/sdh/Pages/Thong-bao-tuyen-sinh-CH-Ke-toan-Tai-chinh-va-Quan-tri--chuong-trinh-lien-ket-Viet--Duc.aspx

Hoặc có thể lấy brochure của Chương trình tại Khoa Kế toán – Kiểm toán, Đại học Mở TPHCM, Văn phòng VACPA TPHCM, Văn phòng Hội Kế toán TPHCM.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Tìm hiểu thêm về kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp


Bài viết dưới đây của Cô Đặng Thị Kim Thúy trình bày một số quan điểm của ASB trong FRS 19, với mục đích cung cấp thêm thông tin cho các thầy cô về những ý kiến xoay quanh vấn đề phương pháp liability trong ghi nhận thuế hoãn lại cũng như phương pháp toàn phần.
TÌM HIỂU VỀ QUAN ĐIỂM CỦA ASB TRONG FRS 19
Giới thiệu ASB
FRS 19 được ban hành năm 2000 bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán Anh (ASB). Đây là tổ chức thuộc Hội đồng báo cáo tài chính (Financial Reporting Council – FRC). FRC là tổ chức lập quy độc lập của Anh, có trách nhiệm thúc đẩy các chuẩn mực chất lượng cao và báo cáo tài chính công ty và quản trị công ty. Ngoài ASB, thuộc FRC còn có các bộ phận khác như Uỷ ban chuẩn mực kiểm toán (APB), Uỷ ban giám sát nghề nghiệp (POB)…
ASB có mười thành viên, trong đó hai người làm việc toàn thời gian là Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật, số còn lại là những người đại diện cho lợi ích của các nhóm quyền lợi khác nhau, những người này làm việc bán thời gian. Theo Điều lệ của ASB, trong các cuộc họp, số phiếu biểu quyết cần thiết đủ để ra quyết định là 7 trong 10 thành viên của Hội đồng để : áp dụng, sửa đổi hoặc ngưng áp dụng một chuẩn mực kế toán nào đó.
Chuẩn mực kế toán mà ASB ban hành được áp dụng cho tất cả các công ty và mọi loại hình doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin trung thực hợp lý, đó chính là lời mở đầu trong các chuẩn mực kế toán.
Lập luận của ASB trong FRS 19 về phương pháp toàn phần

Theo ASB, trước đây có 3 phương pháp kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp (dưới đây gọi tắt là thuế TNDN):

Phương pháp thuế thực tế (flow-through accounting), trong đó kế toán sẽ ghi nhận thuế TNDN đúng như số liệu theo quy định của thuế.

Phương pháp toàn phần (full provision), trong đó tất cả các chênh lệch thời điểm giữa kế toán và thuế đều phải ghi nhận thuế hoãn lại.

Phương pháp từng phần (partial provision) cho rằng các chênh lệch thời điểm nếu sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai sẽ được xem là chênh lệch vĩnh viễn.
FRS 19 cũng bàn luận về các ý kiến khác nhau về mỗi phương pháp, để từ đó đề xuất ra quan điểm của mình.

Đối với phương pháp thuế thực tế, các lập luận bảo vệ cho rằng cơ quan thuế xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp từng thời kỳ. Do đó, những đánh giá về nghĩa vụ thuế trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều sự kiện tương lai, không thể trình bày như những nghĩa vụ trên báo cáo tài chính. Mặt khác, đây là cách minh bạch và rõ ràng nhất để xác định nghĩa vụ thuế trên báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, ASB cho rằng phương pháp này không phù hợp với xu hướng hội nhập kế toán quốc tế và không được ủng hộ rộng rãi của cộng đồng kế toán Anh. Những người bác bỏ phương pháp này cho rằng các chính sách thuế tương đối ổn định để có thể ước tính đáng tin cậy về những ảnh hưởng về thuế trong tương lai. Mặt khác, nó có thể dẫn đến việc phản ảnh thiếu các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Vì vậy, ASB quyết định không chọn phương pháp này.

Đối với phương pháp từng phần, các lập luận bảo vệ chấp nhận việc đánh giá các nghĩa vụ thuế tương lai nhưng thay vì xem xét riêng từng giao dịch cụ thể, phương pháp này tập trung vào xác định ảnh hưởng tổng thể đến báo cáo tài chính. Những chênh lệch thời điểm giữa kế toán và thuế sẽ tiếp diễn lâu dài trong tương lai sẽ được xem là một chênh lệch vĩnh viễn. Thí dụ, một tài sản cố định có chênh lệch thời điểm về khấu hao tại thời điểm hiện tại khi thanh lý và thay thế bằng một tài sản cố định khác sẽ lại tiếp tục một chu kỳ chênh lệch mới. Do đó, không ghi nhận những chênh lệch thời điểm này sẽ phản ảnh đúng hơn nghĩa vụ thuế phải nộp.

ASB cho rằng việc áp dụng phương pháp này trong thực tế mang tính chủ quan cao vì mỗi doanh nghiệp có đánh giá khác nhau về chênh lệch thời điểm nào sẽ còn tiếp diễn. Mặt khác việc dựa vào xét đoán về một sự kiện trong tương lai để đánh giá một nghĩa vụ hiện tại là không hợp lý. Cũng trong bối cảnh hội nhập kế toán quốc tế, ASB đã loại bỏ phương pháp này.

Với những lập luận trên, ASB đã lựa chọn phương pháp toàn phần để phản ảnh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lập luận của ASB trong FRS 19 về chênh lệch tạm thời

Tuy nhiên, ASB không chấp nhận phương pháp liability của IASB mà đưa ra phương pháp “liability điều chỉnh” (incremental liability method). Lý do chính liên quan đến khái niệm chênh lệch tạm thời.

Theo ASB, có những trường hợp chênh lệch vĩnh viễn dẫn đến chênh lệch tạm thời. Thí dụ, trường hợp tài sản có giá trị ghi nhận ban đầu khác với cơ sở tính thuế. Cũng theo ASB, lập luận cho rằng nghĩa vụ thuế phát sinh ngay khi ghi nhận tài sản là không hợp lý. Và IASB phải giải quyết bằng cách loại trừ trường hợp này không ghi nhận thuế hoãn lại. Điều này làm cho khái niệm chênh lệch tạm thời khó giải thích về mặt lý thuyết. Mặt khác, theo ASB việc xác định và tính toán chênh lệch tạm thời cũng phức tạp hơn chênh lệch thời điểm.

Với lập luận trên, ASB không chấp nhận khái niệm chênh lệch tạm thời và đưa ra phương pháp liability điều chỉnh. Nội dung cơ bản của phương pháp này là vẫn sử dụng chênh lệch thời điểm nhưng dựa trên các đánh giá nghiêm ngặt về điều kiện ghi nhận tài sản và nợ phải trả để xác định nghĩa vụ thuế TNDN và chi phí thuế TNDN.

Thí dụ, khi doanh nghiệp ghi nhận lãi dồn tích của một khoản tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp chưa phải chịu thuế cho đến khi nhận được các chứng từ đầy đủ về khoản lãi này đã phát sinh. Nghĩa vụ thuế trong trường hợp này đã gần như chắc chắn nên một khoản thuế hoãn lại sẽ được ghi nhận.

Ngược lại, khi doanh nghiệp đánh giá lại tài sản cố định theo giá thay thế (chuẩn mực kế toán Anh cho phép điều này), các nghĩa vụ thuế chưa xác định cho đến khi doanh nghiệp bán tài sản này. Do đó, ASB sẽ không cho phép ghi nhận thuế hoãn lại trong việc đánh giá lại tài sản trừ khi doanh nghiệp đã có một cam kết bán tài sản cố định này.

ĐẶNG THỊ KIM THÚY

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Chia sẻ tài liệu - Quyết định 15/2006/QĐ-BTC



Cô Mỹ Thúy có nhã ý muốn chia sẻ file QĐ15/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Tài liệu hữu ích giúp thầy cô có thể tra cứu nhanh trên máy tính thay vì phải mang theo cuốn sách.
Cảm ơn cô Thúy và xin giới thiệu với các thầy cô.
Link 1: http://hotfile.com/dl/124831461/b0f568c/FILE.rar.html
Link 2: http://www.mediafire.com/?vcjab8ql6u4lvlv

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Tài liệu chuyên đề phân tích báo cáo tài chính



Xin chuyển đến các thầy cô tài liệu sử dụng cho phân tích báo cáo tài chính:
Slide bài trình bày
Báo cáo tài chính minh họa
Tài liệu đọc thêm (tiếng Anh)
Ngoài ra, các thầy cô có thể đọc thêm một chương sách về phân tích báo cáo tài chính khá hay, trong đó trình bày một cách tổng quát cách tiếp cận trong phân tích báo cáo tài chính:

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Đề nghị bổ sung chuyên đề mới



Một số thầy cô đề nghị các chuyên đề bổ sung sau cho lịch trình sinh hoạt chuyên môn năm 2012:

  • Kế toán phòng ngừa rủi ro
  • Công cụ tài chính phái sinh và các vấn đề kế toán liên quan
  • Khuôn mẫu lý thuyết kế toán – Cập nhật theo Dự án hội tụ kế toán quốc tế
  • Báo cáo diễn giải
  • Kế toán giá trị hợp lý

Chuyên đề phân tích báo cáo tài chính



Phân tích báo cáo tài chính là một vấn đề giao nhau giữa nhiều lĩnh vực: kế toán, tài chính, đầu tư… Nó có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ. Các nhà đầu tư và chủ nợ quan tâm nhiều đến bí mật đằng sau những con số của báo cáo tài chính. Trong khi các nhà quản lý doanh nghiệp lại muốn đánh giá tình hình của doanh nghiệp mình một cách tổng thể qua việc phân tích báo cáo tài chính của chính doanh nghiệp mình. Mặc dù có cùng một số mục đích với các đối tượng trên, kiểm toán viên lại tiếp cận theo một hướng khác: đánh giá rủi ro có sai lệch trọng yếu trên báo cáo tài chính để phục vụ cho việc kế hoạch kiểm toán.
Trong cùng một bối cảnh, phân tích báo cáo tài chính còn có những mức độ, hay chính xác hơn, có độ sâu khác nhau. Ở góc độ một nhà đầu tư đơn thuần hay một giám đốc điều hành, phân tích báo cáo tài chính thường dừng ở mức độ đọc hiểu. Tuy nhiên, các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp thì phải đào sâu hơn nhiều. Lúc này, phân tích báo cáo tài chính cần phải đặt trong bối cảnh chung của ngành (phân tích chiến lược), đánh giá ảnh hưởng của việc lựa chọn chính sách kế toán (phân tích kế toán), xem xét các tỷ số tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp (phân tích tài chính) và xa hơn nữa sử dụng các thông tin cho việc định giá doanh nghiệp.
Phân tích báo cáo tài chính không chỉ phục vụ cho những người làm công tác thực tế. Nhiều nghiên cứu được tiến hành trong lĩnh vực kế toán cũng sử dụng các kiến thức liên quan đến phân tích báo cáo tài chính. Các nghiên cứu có thể được tiến hành trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của thông tin trên báo cáo tài chính đến giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hoặc tác động của các nhân tố đến sự lựa chọn chính sách kế toán. Một hướng nghiên cứu khác là tìm hiểu các tỷ số nào thường được các nhà đầu tư, các chủ nợ hoặc kiểm toán viên sử dụng trong phân tích, khả năng của chúng trong việc phát hiện sai lệch lợi nhuận hay khả năng phá sản của doanh nghiệp…
Với một phạm vi ứng dụng rộng và nhiều mức độ như trên, các vấn đề về phân tích báo cáo tài chính được đề cập đến trong nhiều môn học trong các chương trình đào tạo về kế toán. Ở một số môn học nhập môn về kế toán, phân tích được giới thiệu dưới góc độ đơn giản để hiểu báo cáo tài chính được sử dụng như thế nào. Khi đi sâu vào kế toán tài chính, phân tích sẽ giúp học viên hiểu được các nguyên tắc kế toán ảnh hưởng gì đến các chỉ tiêu của báo cáo tài chính. Ở một mức độ nâng cao, học viên có thể tiếp cận một môn học riêng về phân tích báo cáo tài chính, trong đó kiến thức về kế toán và tài chính sẽ được sử dụng đồng thời với nhiều kiến thức khác để có thể hiểu được một cách sâu sắc hơn các vấn đề của báo cáo tài chính.
Chuyên đề phân tích báo cáo tài chính của Chương trình sinh hoạt chuyên môn sẽ trình bày vấn đề phân tích báo cáo tài chính ở mức độ rộng nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về lĩnh vực này, tạo chiều sâu trong bài giảng của các thầy cô về bất kỳ lĩnh vực nào của kế toán. Một mục tiêu nữa của chuyên đề là cung cấp một khung các khái niệm trong lĩnh vực này để khi nghiên cứu sâu hơn, các thầy cô có sẵn một bản đồ để định hướng.
Các tài liệu tham khảo và slide sẽ được đưa lên blog vào đầu tuần sau.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Giới thiệu mạng nghiên cứu SSRN


SSRN (Social Science Research Network) là website cung cấp các nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong đó kế toán là một lĩnh vực khá mạnh. Cơ sở dữ liệu của SSRN có gần 350.000 bản tóm tắt (abstract) và gần 300.000 bài báo toàn văn (full text) có thể download về miễn phí. Trong lĩnh vực kế toán, có thể tìm kiếm trong Mạng Nghiên cứu Kế toán (Accounting Research Network – ARN). SSRN là nơi các nhà nghiên cứu công bố các bài báo hay nghiên cứu của mình trước khi gửi đến các tạp chí chính thức. Qua SSRN, họ sẽ nhận được những góp ý để hoàn thiện nghiên cứu của mình. Số liệu thống kê về số lần download cũng là sự xếp hạng gián tiếp về mức độ ảnh hưởng của một nghiên cứu.

Việc tìm kiếm và download trên SSRN rất thuận lợi. Các thầy cô không nên bỏ qua nguồn dữ liệu này. Địa chỉ truy cập: http://www.ssrn.com/

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Xác định từ khóa


Bước đầu tiên trong việc thu thập tài liệu trên các công cụ tìm kiếm là xác định từ khóa (key word). Các trở ngại cho việc xác định từ khóa là:

  • Tên của chủ đề và từ khóa không giống nhau; đặc biệt là khi chúng ta xác định chủ đề bằng tiếng Việt, nhưng các từ khóa lại là tiếng Anh. Thí dụ, để nghiên cứu về việc thuyết minh trên báo cáo tài chính, chúng ta sẽ không dùng “note to financial statements” mà phải dùng từ khóa là “disclosure”.
  • Có những từ khóa liên quan đến nhiều chủ đề; nên khi dùng từ khóa để tìm kiếm thì kết quả phản hồi lại thuộc về các chủ đề khác. Thí dụ, chúng ta đang nghiên cứu về lĩnh vực thuyết minh báo cáo tài chính nói trên. Kết quả của việc sử dụng từ khóa “disclosure”sẽ cho chúng ta nhiều bài báo thuộc các lĩnh vực khác nhau có liên quan đến thuật ngữ này.

Để giải quyết vấn đề này, có thể sử dụng các giải pháp sau:

  • Đọc các sách giáo khoa bằng tiếng Anh liên quan đến chủ đề. Các sách này (text book), thường viết đơn giản nên không dùng để nghiên cứu nhưng giúp đỡ chúng ta khá nhiều để hiểu trong tiếng Anh, thuật ngữ nào được sử dụng để diễn đạt vấn đề trên.
  • Tra cứu trên wiki hoặc các website tương tự. Ưu điểm của cách này là tận dụng là siêu liên kết trên các trang website nay để nhanh chóng lần đến khái niệm hay thuật ngữ cần tìm.
  • Nhập vào Google (hay một công cụ tìm kiếm khác) từ khóa dự kiến hay cụm từ liên quan, đọc lướt qua các website được trả về để tìm kiếm thuật ngữ nào sẽ là từ khóa chủ chốt thường được sử dụng.
  • Sử dụng các từ khóa phụ để thu hẹp phạm vi tìm kiếm. Thí dụ, để tìm kiếm các bài báo liên quan đến “disclosure” nhưng của lĩnh vực kế toán, chúng ta sẽ đưa thêm cụm từ “accounting” vào để thu hẹp kết quả tìm kiếm. Hoặc để thu thập các bài báo mang tính tổng quan, có thể thêm từ “review”… Việc sử dụng chức năng tìm kiếm nâng cao cũng là một cách hay. Chúng ta có thể loại trừ một cụm từ gây nhiễu nhưng lại có tần suất xuất hiện lớn, hoặc chọn những bài báo trên một tạp chí nhất định…

Tìm từ khóa là một nghệ thuật. Nếu khéo léo và sáng tạo, các thầy cô có thể tìm được chiếc chìa khóa vàng để lấy được các thông tin cần thiết

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Bài báo nghiên cứu và bài báo tổng quan



Hai loại bài báo khoa học có thể sử dụng tốt cho quá trình nghiên cứu của các thầy cô là bài báo nghiên cứu và bài báo tổng quan.

Bài báo nghiên cứu (research article) trình bày về những phát hiện của một nghiên cứu cụ thể của chính các tác giả. Bài báo nghiên cứu thường bao gồm phần tóm tắt, phần giới thiệu mô tả các nghiên cứu trước đó về vấn đề và mục tiêu của tác giả, phần mô tả nghiên cứu (giả thiết, phương pháp, dữ liệu), phần kết quả nghiên cứu và cuối cùng là ý nghĩa của nghiên cứu. Loại bài báo này cung cấp thông tin hữu ích về những phát hiện mới cũng như sự đối chiếu với các nghiên cứu trước đó cùng chủ đề. Phạm vi của loại bài báo này thường khá hẹp để có thể cung cấp hiểu biết những vấn đề cơ bản và tương đối toàn diện về một chủ đề.

Bài báo tổng quan (review article) là nơi tác giả cố gắng trình bày một cách có hệ thống tất cả các nghiên cứu trước đó của những tác giả khác nhau về một chủ đề nào đó. Loại bài báo này có thể cho người đọc hiểu biết về những tác giả chủ chốt nghiên cứu về lĩnh vực/chủ đề, các phát hiện mới, sự khác biệt giữa các nghiên cứu, các tranh luận chung quanh chủ đề cũng như các hướng nghiên cứu mới. Nói chung, một bài báo tổng quan tốt có thể trang bị cho người đọc một hiểu biết khá cơ bản và đầy đủ về vấn đề mà bài báo hướng đến.

Dưới đây là 2 bài báo cùng bàn về việc thuyết minh trên báo cáo tài chính, một hướng nghiên cứu khá phát triển trong kế toán.

Bài báo thứ nhất là bài báo nghiên cứu, trong đó, tác giả trình bày nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của quy mô, tình trạng niêm yết và lĩnh vực kinh doanh đến vấn đề thuyết minh báo cáo tài chính của các công ty niêm yết Nhật Bản.

Link 1:

http://hotfile.com/dl/122969369/6c39d6d/jAPAN.pdf.html

Link 2:

http://www.mediafire.com/?ayw6n47n24753u0

Bài báo thứ hai là một bài báo tổng quan về các nghiên cứu thực nghiệm chung quanh việc thuyết minh trên báo cáo tài chính. Các thầy cô có thể tìm thấy rất nhiều thông tin hữu ích về hướng nghiên cứu về thuyết minh trong bài báo 60 trang này.

Link 1:

http://hotfile.com/dl/122969778/4dcf8aa/a_review_of_the_empirical_disclosure_literature.pdf.html

Link 2:

http://www.mediafire.com/?dflg99vnapfs656

Danh sách chuyên đề mới dự kiến



Ban Tổ chức đã chuẩn bị danh sách dự kiến các chuyên đề của năm 2012. Các thầy cô có thể đọc tại trang "Chuyên đề mới" hoặc click vào đường dẫn sau:

http://accounting-forum.blogspot.com/p/chuan-bi-cho-chuyen-e-moi.html

Cácthầy cô vẫn có thể đề nghị bổ sung thêm vào danh sách này.

Điều chỉnh lịch trình sinh hoạt chuyên môn


Theo tinh thần của buổi sinh hoạt lần trước, Ban Tổ chức điều chỉnh lại lịch sinh hoạt 2 tuần/1 lần để các thành viên có thời gian nghiên cứunhiều hơn.

Lịch trình mới như sau:

Phân tích báo cáo tài chính 1 Sáng 22/7

Phân tích báo cáo tài chính 2 Sáng 5/8

Phân tích báo cáo tài chính 3 Sáng 19/8

Chuẩn mực kế toán 1 Sáng 9/9

Chuẩn mực kế toán 2 Sáng 23/9

Chuẩn mực kế toán 3 Sáng 7/10

Chuẩn mực kế toán 4 Sáng 21/10

Chuẩn mực kế toán 5 Sáng 4/11

Báo cáo tài chính hợp nhất 1 Sáng 18/11

Báo cáo tài chính hợp nhất 2 Sáng 2/12

Báo cáo tài chính hợp nhất 3 Sáng 16/12

Báo cáo tài chính hợp nhất 4 Sáng 30/12

Báo cáo tài chính hợp nhất 5 Sáng 13/1


Các nội dung mới này đã được cập nhật vào trang lịch trình.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Tìm kiếm bài báo khoa học


Các bài báo khoa học được cung cấp bởi các tạp chí học thuật, khác với các bài báo mang tính chất cung cấp thông tin trong các tạp chí phổ thông cho người đọc rộng rãi.

Các bài báo này có thể tìm thấy trực tiếp trên các tạp chí tại thư viện hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, cách dễ dàng hơn là tìm kiếm trên các cơ sở dữ liệu trực tuyến chuyên cung cấp các bài báo trên dưới dạng điện tử. Một cách khác là sử dụng các công cụ tìm kiếm. Đây là cách tương đối dễ thực hiện nhất.

Tạp chí học thuật

Trong lĩnh vực kế toán, các tạp chí học thuật thường được tham chiếu là:

- Journal of Accounting and Economics

- Journal of Accounting Research

- Accounting Review

- International Journal of Accounting Information Systems

- Accounting, Organizations and Society

- European Accounting Review

- Abacus

- Journal of Accounting and Public Policy

- Accounting Horizons

- Accounting and Business Research

- Foundations and Trends in Accounting

- Accounting, Auditing and Accountability Journal

- British Accounting Review

- Journal of Business Finance and Accounting

- Journal of International Accounting, Auditing and Taxation

- Australian Accounting Review

- Accounting History

- Handbooks of Management Accounting Research

- Journal of Contemporary Accounting and Economics

- International Journal of Accounting, Auditing and Performance Evaluation

- Advances in Management Accounting

- Advances in Accounting

- Afro-Asian Journal of Finance and Accounting

- Accounting, Business and Financial History

- Journal of Accounting Education

- Accounting Research Journal…

Danh sách trên liệt kê theo bảng xếp hạng của SJR 2010, chỉ chọn các tạp chí liên quan đến kế toán. Để tìm kiếm các bài báo, bạn vào Google gõ tên tạp chí, bạn sẽ tìm thấy website của tạp chí và website của các cơ sở dữ liệu có tạp chí đó. Trên các website này, có thể search theo từ khóa hoặc browse theo số.

Các cơ sở dữ liệu về tạp chí khoa học

Các cơ sở dữ liệu (database) cung cấp các bài báo khoa học theo từ khóa hoặc theo tạp chí. Mỗi cơ sở dữ liệu mạnh về một số lĩnh vực và cung cấp bài báo của một số tạp chí. Một số cơ sở dữ liệu cung cấp tạp chí về kế toán như: ScienceDirect, EBSCO, JSTOR, Springer, IngentaConnect…phần lớn có tính phí nếu muốn đọc toàn văn (full text). SSRN là một cơ sở dữ liệu cung cấp nhiều bài báo miễn phí.

Các công cụ tìm kiếm

Các công cụ tìm kiếm giúp bạn tìm được bài báo nhanh chóng qua từ khóa. Google Scholar là một lựa chọn tốt. Qua công cụ này, bạn sẽ tìm thấy đường dẫn đến cơ sở dữ liệu cung cấp tóm tắt bài báo hoặc toàn văn. Để nhận ra các bài báo cung cấp toàn văn miễn phí, bạn để ý các bài báo có từ đầu tiên trong ngoặc là PDF hoặc DOC. Hoặc nhìn bên tay phải có đường dẫn đến tên một website viết tắt. Đôi khi bạn click vào nhưng đường link đã chết, bạn chịu khó tìm các phiên bản bên dưới, có thể còn phiên bản mà đường link vẫn còn sử dụng được. Một số công cụ khác có thể sử dụng như Microsoft Academic Search, Scirus.

Trả tiền hay miễn phí

Phần lớn các bài báo chỉ cung cấp bản tóm tắt và muốn có toàn văn thì phải trả phí. Tuy nhiên, một số bài báo được cung cấp miễn phí. Trong bối cảnh Việt Nam, ít trường đại học có kinh phí để mua các bài báo trên các cơ sở dữ liệu để cung cấp cho giảng viên hoặc sinh viên. Một số trường chỉ cung cấp các cơ sở dữ liệu dạng miễn phí, được tặng hoặc giá rẻ nên chỉ phục vụ cho cấp độ nghiên cứu thấp. Do đó, để tiếp cận các bài báo không miễn phí, các thầy cô có thể:

- Tận dụng một số bài báo khá tốt nhưng được cung cấp miễn phí trên mạng. Thường số này không nhiều hoặc dưới dạng bản thảo đang được công bố để góp ý.

- Thông qua các mối quan hệ để nhờ lấy giùm các bài báo này. Hành động chia sẻ này là vi phạm bản quyền. Do đó, hạn chế sử dụng hoặc phổ biến rộng rãi ngay cả khi không vì lợi ích kinh tế.

Bài này cung cấp một cái nhìn chung. Bài viết tới sẽ đề cập đến các bước cụ thể để tìm một bài báo theo một chủ đề mong muốn.

Tác giả chỉ trình bày theo kinh nghiệm của riêng mình. Mong được sự góp ý thêm của các thầy cô.