Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Tìm hiểu thêm về kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp


Bài viết dưới đây của Cô Đặng Thị Kim Thúy trình bày một số quan điểm của ASB trong FRS 19, với mục đích cung cấp thêm thông tin cho các thầy cô về những ý kiến xoay quanh vấn đề phương pháp liability trong ghi nhận thuế hoãn lại cũng như phương pháp toàn phần.
TÌM HIỂU VỀ QUAN ĐIỂM CỦA ASB TRONG FRS 19
Giới thiệu ASB
FRS 19 được ban hành năm 2000 bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán Anh (ASB). Đây là tổ chức thuộc Hội đồng báo cáo tài chính (Financial Reporting Council – FRC). FRC là tổ chức lập quy độc lập của Anh, có trách nhiệm thúc đẩy các chuẩn mực chất lượng cao và báo cáo tài chính công ty và quản trị công ty. Ngoài ASB, thuộc FRC còn có các bộ phận khác như Uỷ ban chuẩn mực kiểm toán (APB), Uỷ ban giám sát nghề nghiệp (POB)…
ASB có mười thành viên, trong đó hai người làm việc toàn thời gian là Chủ tịch và Giám đốc kỹ thuật, số còn lại là những người đại diện cho lợi ích của các nhóm quyền lợi khác nhau, những người này làm việc bán thời gian. Theo Điều lệ của ASB, trong các cuộc họp, số phiếu biểu quyết cần thiết đủ để ra quyết định là 7 trong 10 thành viên của Hội đồng để : áp dụng, sửa đổi hoặc ngưng áp dụng một chuẩn mực kế toán nào đó.
Chuẩn mực kế toán mà ASB ban hành được áp dụng cho tất cả các công ty và mọi loại hình doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin trung thực hợp lý, đó chính là lời mở đầu trong các chuẩn mực kế toán.
Lập luận của ASB trong FRS 19 về phương pháp toàn phần

Theo ASB, trước đây có 3 phương pháp kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp (dưới đây gọi tắt là thuế TNDN):

Phương pháp thuế thực tế (flow-through accounting), trong đó kế toán sẽ ghi nhận thuế TNDN đúng như số liệu theo quy định của thuế.

Phương pháp toàn phần (full provision), trong đó tất cả các chênh lệch thời điểm giữa kế toán và thuế đều phải ghi nhận thuế hoãn lại.

Phương pháp từng phần (partial provision) cho rằng các chênh lệch thời điểm nếu sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai sẽ được xem là chênh lệch vĩnh viễn.
FRS 19 cũng bàn luận về các ý kiến khác nhau về mỗi phương pháp, để từ đó đề xuất ra quan điểm của mình.

Đối với phương pháp thuế thực tế, các lập luận bảo vệ cho rằng cơ quan thuế xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp từng thời kỳ. Do đó, những đánh giá về nghĩa vụ thuế trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều sự kiện tương lai, không thể trình bày như những nghĩa vụ trên báo cáo tài chính. Mặt khác, đây là cách minh bạch và rõ ràng nhất để xác định nghĩa vụ thuế trên báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, ASB cho rằng phương pháp này không phù hợp với xu hướng hội nhập kế toán quốc tế và không được ủng hộ rộng rãi của cộng đồng kế toán Anh. Những người bác bỏ phương pháp này cho rằng các chính sách thuế tương đối ổn định để có thể ước tính đáng tin cậy về những ảnh hưởng về thuế trong tương lai. Mặt khác, nó có thể dẫn đến việc phản ảnh thiếu các nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Vì vậy, ASB quyết định không chọn phương pháp này.

Đối với phương pháp từng phần, các lập luận bảo vệ chấp nhận việc đánh giá các nghĩa vụ thuế tương lai nhưng thay vì xem xét riêng từng giao dịch cụ thể, phương pháp này tập trung vào xác định ảnh hưởng tổng thể đến báo cáo tài chính. Những chênh lệch thời điểm giữa kế toán và thuế sẽ tiếp diễn lâu dài trong tương lai sẽ được xem là một chênh lệch vĩnh viễn. Thí dụ, một tài sản cố định có chênh lệch thời điểm về khấu hao tại thời điểm hiện tại khi thanh lý và thay thế bằng một tài sản cố định khác sẽ lại tiếp tục một chu kỳ chênh lệch mới. Do đó, không ghi nhận những chênh lệch thời điểm này sẽ phản ảnh đúng hơn nghĩa vụ thuế phải nộp.

ASB cho rằng việc áp dụng phương pháp này trong thực tế mang tính chủ quan cao vì mỗi doanh nghiệp có đánh giá khác nhau về chênh lệch thời điểm nào sẽ còn tiếp diễn. Mặt khác việc dựa vào xét đoán về một sự kiện trong tương lai để đánh giá một nghĩa vụ hiện tại là không hợp lý. Cũng trong bối cảnh hội nhập kế toán quốc tế, ASB đã loại bỏ phương pháp này.

Với những lập luận trên, ASB đã lựa chọn phương pháp toàn phần để phản ảnh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lập luận của ASB trong FRS 19 về chênh lệch tạm thời

Tuy nhiên, ASB không chấp nhận phương pháp liability của IASB mà đưa ra phương pháp “liability điều chỉnh” (incremental liability method). Lý do chính liên quan đến khái niệm chênh lệch tạm thời.

Theo ASB, có những trường hợp chênh lệch vĩnh viễn dẫn đến chênh lệch tạm thời. Thí dụ, trường hợp tài sản có giá trị ghi nhận ban đầu khác với cơ sở tính thuế. Cũng theo ASB, lập luận cho rằng nghĩa vụ thuế phát sinh ngay khi ghi nhận tài sản là không hợp lý. Và IASB phải giải quyết bằng cách loại trừ trường hợp này không ghi nhận thuế hoãn lại. Điều này làm cho khái niệm chênh lệch tạm thời khó giải thích về mặt lý thuyết. Mặt khác, theo ASB việc xác định và tính toán chênh lệch tạm thời cũng phức tạp hơn chênh lệch thời điểm.

Với lập luận trên, ASB không chấp nhận khái niệm chênh lệch tạm thời và đưa ra phương pháp liability điều chỉnh. Nội dung cơ bản của phương pháp này là vẫn sử dụng chênh lệch thời điểm nhưng dựa trên các đánh giá nghiêm ngặt về điều kiện ghi nhận tài sản và nợ phải trả để xác định nghĩa vụ thuế TNDN và chi phí thuế TNDN.

Thí dụ, khi doanh nghiệp ghi nhận lãi dồn tích của một khoản tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp chưa phải chịu thuế cho đến khi nhận được các chứng từ đầy đủ về khoản lãi này đã phát sinh. Nghĩa vụ thuế trong trường hợp này đã gần như chắc chắn nên một khoản thuế hoãn lại sẽ được ghi nhận.

Ngược lại, khi doanh nghiệp đánh giá lại tài sản cố định theo giá thay thế (chuẩn mực kế toán Anh cho phép điều này), các nghĩa vụ thuế chưa xác định cho đến khi doanh nghiệp bán tài sản này. Do đó, ASB sẽ không cho phép ghi nhận thuế hoãn lại trong việc đánh giá lại tài sản trừ khi doanh nghiệp đã có một cam kết bán tài sản cố định này.

ĐẶNG THỊ KIM THÚY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét