Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Phân tích chiến lược



Phân tích chiến lược là điểm khởi đầu của phân tích báo cáo tài chính vì nó cho phép đặt doanh nghiệp trong bối cảnh của ngành nghề cũng như các định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Không có phân tích chiến lược, việc phân tích kế toán hay phân tích tài chính sẽ mang tính “võ đoán” hơn là những hiểu biết cụ thể về doanh nghiệp.
Thí dụ:
Một công ty có tỷ suất sinh lời trên doanh thu là 2% có thể bị đánh giá là thấp. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh một ngành nghề đang có cạnh tranh dữ dội do cầu giảm sút thì mức sinh lời đó là mơ ước của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.
Hoặc ngay cả khi tỷ suất sinh lời trên doanh thu bình quân của ngành là 6% thì mức2% của doanh nghiệp cũng không thể đánh giá là kém nếu biết rằng doanh nghiệp đang theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng giá thấp để có thể đạt một số vòng quay tài sản lớn hơn.
Phân tích chiến lược bao gồm phân tích ngành, phân tích chiến lược cạnh tranh và phân tích chiến lược công ty.
  • Phân tích ngành dựa trên việc xem xét tình hình phát triển và cạnh tranh của ngành nghề. Mô hình Five Forces của Porter là một công cụ có thể giúp đánh giá được vấn đề này. Thí dụ, những ngành có mức độ tập trung cao sẽ ít có cạnh tranh hơn vì dễ có sự thoả hiệp giữa các doanh nghiệp trong ngành. Hoặc những ngành nghề có định phí lớn thường cạnh tranh gay gắt hơn do các doanh nghiệp có thể chấp nhận một giá bán thấp miễn là đủ bù đắp định phí không thể tránh khỏi.
  • Phân tích chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp tập trung vào việc xem xét doanh nghiệp đã chọn cho mình cách thức nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh của ngành. Mặc dù có những ý kiến tranh luận, ba chiến lược cạnh tranh chủ yếu mà Porter đưa ra cũng giúp đánh giá được vấn đề này. Thí dụ, một doanh nghiệp có thể chọn lựa chiến lược cạnh tranh dựa trên sự khác biệt sản phẩm, dịch vụ trong khi một doanh nghiệp khác dựa trên chi phí thấp để cạnh tranh.
  • Phân tích chiến lược công ty là xem xét cách thức một công ty đa ngành đã vận hành thế nào để phát huy lợi thế này trong phát triển, hoặc ngược lại đã thất bại trong chiến lược đa ngành của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét