Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tọa đàm về kế toán Việt Nam














Ngày 19/4/2012, buổi tọa đàm "Kế toán Việt Nam - Các vướng mắc và cách giải quyết" được tổ chức tại trường Đại học Mở TPHCM. Báo cáo viên là TS. Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính. Thành viên là các giảng viên từ các trường đại học, chủ yếu là các thầy cô thuộc Câu lạc bộ Nghiên cứu và giảng dạy Kế toán - Kiểm toán.

Bà Hà đã trình bày về những định hướng phát triển của kế toán Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Luật Kiểm toán độc lập ra đời và có hiệu lực. Các sai sót thường gặp của các doanh nghiệp, nhất là các công ty niêm yết cũng được mổ xẻ. Các thành viên tham gia cũng trao đổi ý kiến và đặt các câu hỏi.

Buổi tọa đàm là một kênh thông tin hữu ích để các giảng viên nắm rõ hơn chủ trương của Nhà nước nhằm giảng dạy tốt hơn cho sinh viên cũng như là cơ hội phân tích những vấn đề kế toán đối chiếu giữa quan điểm của nhà khoa học và tổ chức lập quy.

Slide trình bày có thể download tại một trong 2 link sau.


Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Khởi động Câu lạc bộ
















Ban trù bị đã hoàn thành bảng tổng hợp ý kiến của các thành viên, họp để thông qua Điều lệ, chọn Ban chấp hành dựa trên đề cử và thống nhất lịch trình và nội dung sinh hoạt năm 2012.

Theo phân công, cô Phạm Thị Huyền Quyên sẽ phụ trách về công tác thành viên. Sắp tới, quý thầy cô sẽ nhận được Phiếu đăng ký tham gia Câu lạc bộ. Mong các thầy cô có ý định tham gia phản hồi sớm để mau chóng ổn định sinh hoạt của Câu lạc bộ.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Xử lý chênh lệch tỷ giá - Phương pháp nào có lợi cho doanh nghiệp??




















Một bạn đọc (trang nguyen) góp ý:
" TT 201 hay VAS 10 đều có hiệu lực như nhau, nên các công ty có thể xử lý chênh lệch tỷ giá theo văn bản nào cũng đc. Nhưng TT 201/2009/TT-BTC thì Thuế áp dụng nên hầu hết các công ty áp dụng theo TT 201 cho tiện việc Thuế dễ kiểm tra,khỏi phải mất công điều chỉnh."

Đúng là sự khác biệt giữa VAS 10 và TT 201 có nguồn gốc sâu xa từ cách xử lý của thuế đối với chênh lệch tỷ giá. Những lập luận bảo vệ cho TT 201 dựa trên sự thuận lợi trong giải quyết quan hê giữa kế toán và thuế của doanh nghiệp. Cách xử lý TT 201 phù hợp với quy định của thuế trong xử lý chênh lệch tỷ giá, do đó doanh nghiệp áp dụng theo TT 201 sẽ không cần phải thực hiện việc điều chỉnh sự khác biệt giữa kế toán và thuế trên tờ khai quyết toán thuế, cũng như xử lý những vấn đề liên quan đến thuế hoãn lại.

Tuy nhiên, về mặt kế toán, đây lại là một vấn đề khác. Có thể nói TT 201 mâu thuẫn với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 "Chuẩn mực chung" trong các định nghĩa về các yếu tố của báo cáo tài chính (tài sản, nợ phải trả, thu nhập, chi phí...). Khi khoản ngoại tệ được đánh giá lại tăng lên (hoặc giảm xuống), làm tăng (hoặc giảm) vốn chủ sở hữu mà không phải là góp vốn (hoặc phân phối vốn) nên sẽ thỏa mãn điều kiện của thu nhập (hoặc chi phí).Việc treo lại chênh lệch tỷ giá của các khoản ngắn hạn rồi hoàn nhập vào đầu kỳ sau không dựa trên một nền tảng lý luận nào về kế toán. Bên cạnh đó, việc hoãn ghi nhận các khoản lỗ do đánh giá lại các khoản nợ dài hạn và phân bổ sau đó không phù hợp với khái niệm chi phí.

Mặt khác, việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn giữa các chính sách kế toán quá khác biệt, sẽ làm ảnh hưởng rất xấu đến khả năng so sánh được của báo cáo tài chính, có thể tác động nghiêm trọng đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính.

Do đó, TT201 về phương diện nào đó làm cho hệ thống kế toán Việt Nam trở nên lủng củng do chứa đựng những mâu thuẫn nội tại bên trong. Việc thuyết minh bổ sung thực ra chỉ là một giải pháp chắp vá.