Chuẩn mực kế toán (gọi đầy đủ là chuẩn mực kế toán tài chính) hiểu theo nghĩa hẹp, là một hệ thống các quy định kế toán bắt nguồn từ các quốc gia Anglo-Saxon, bao gồm các nguyên tắc và hướng dẫn trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán thường được được phát triển theo kiểu:
- Các chuẩn mực không ra đời cùng một lúc như một hệ thống, mà hình thành theo yêu cầu của thực tế và khả năng giải quyết vấn đề của tổ chức lập quy.
- Mỗi chuẩn mực chỉ giải quyết một hoặc một số vấn đề kế toán.
Chính vì lý do trên mà khuôn mẫu lý thuyết kế toán đã ra đời để tạo lập một nền tảng cho các chuẩn mực, một mặt giảm thiểu khả năng mâu thuẫn về phương pháp luận giữa các chuẩn mực và mặt khác, tạo cơ sở xử lý những vấn đề mà chuẩn mực chưa quy định.
Những năm gần đây, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) và một số tổ chức lập quy ban hành chuẩn mực kế toán với tên gọi “chuẩn mực báo cáo tài chính”. Về thực chất không có sự khác biệt, ngoại trừ định hướng hội tụ kế toán quốc tế, theo hướng hình thành một hệ thống chuẩn mực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vốn quốc tế.
Hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính Hoa Kỳ (FASB) gần đây đã tổng hợp các chuẩn mực kế toán tài chính riêng biệt, thay thế bằng một hệ thống gọi là Accounting Standards Codification, với 9 nhóm chuẩn mực phân theo chủ đề.
Các chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành từ năm 2001 như một nỗ lực hội nhập quốc tế về kế toán. Trong những năm qua, có 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành. Các chuẩn mực kế toán Việt Nam được biên soạn trên nền tảng chuẩn mực kế toán quốc tế của IASB có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Để có thể áp dụng vào thực tế phù hợp với các chế độ kế toán Việt Nam (được ban hành dưới tên gọi Hệ thống kế toán doanh nghiệp), các chuẩn mực được hướng dẫn bởi các thông tư của Bộ Tài chính.
Mặc dù vậy, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp dựa vào Hệ thống kế toán Việt Nam hơn là các chuẩn mực. Việc giảng dạy kế toán tại nhiều trường đại học cũng tập trung vào hệ thống tài khoản kế toán hơn là tiếp cận từ chuẩn mực.
Chuyên đề chuẩn mực kế toán Việt Nam được trình bày với mục đích cung cấp thông tin và thảo luận về các chuẩn mực, nhằm giúp các thầy cô có điều kiện nghiên cứu sâu hơn vấn đề này, phục vụ cho việc giảng dạy trên nền tảng chuẩn mực.
Vì thời gian ngắn, nên trong mỗi chuẩn mực chỉ trình bày 2 vấn đề chính:
- Các nguyên tắc cơ bản (dùng khuôn mẫu lý thuyết để giải thích)
- Các vấn đề phức tạp hay còn tranh luận
Dự kiến nội dung các buổi như sau:
Buổi 1: Trình bày BCTC phần 1
- VAS 21 (Trình bày BCTC)
- VAS 23 (Sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm)
- VAS 26 (Các bên liên quan)
Buổi 2: Trình bày BCTC phần 2
- VAS 27 (BCTC giữa niên độ),
- VAS 28 (BCTC bộ phận)
- VAS 29 (Thay đổi CSKT, ƯTKT và SS)
- VAS 30 (Lãi trên cổ phiếu)
Buổi 3: Các yếu tố BCTC phần 1
- VAS 2 (Hàng tồn kho),
- VAS 3 (TSCĐ hữu hình)
- VAS 5 (Bất động sản đầu tư)
Buổi 4: Các yếu tố BCTC phần 2
- VAS 4 (TSCĐ vô hình)
- VAS 6 (Thuê tài sản)
- VAS 10 (Tỷ giá)
- VAS 18 (Dự phòng phải trả)
Buổi 5: Các yếu tố của BCTC phần 3
- VAS 14 (Doanh thu)
- VAS 15 (HĐ xây dựng)
- VAS 16 (CP đi vay)
- VAS 17 (Thuế TNDN)
Phụ trách về chuyên đề này là TS. Vũ Hữu Đức và TS. Nguyễn Thị Kim Cúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét