Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Chi phí trả trước và báo cáo lưu chuyển tiền tệ



Chi phí trả trước là một khoản phi tiền tệ hay là một khoản vốn lưu động
Trong buổi sinh hoạt vừa qua có một số trao đổi thú vị liên quan đến cách lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ (CF). Việc trao đổi xoay quanh vấn đề tại sao chi phí trả trước, dưới góc độ nào đó, gần giống như chi phí khấu hao, lại không điều chỉnh như một khoản mục phi tiền tệ như khấu hao mà lại điều chỉnh trong phần sự thay đổi của vốn lưu động. Bài viết dưới đây trình bày cách giải quyết tiếp cận theo hướng tính hữu ích của thông tin trên báo cáo tài chính. Đây chỉ là một ý kiến cá nhân nhằm tạo cơ hội cho chúng ta có dịp nhìn sâu hơn vào CF cũng như bản chất cung cấp thông tin của kế toán.
Các quy định
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” (VAS 24)
Các chỉ tiêu về luồng tiền được xác định trên cơ sở lấy tổng lợi nhuận trước thuế và điều chỉnh cho các khoản:
- Các khoản doanh thu, chi phí không phải bằng tiền như khấu hao TSCĐ, dự phòng...
- Lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện;
- Tiền đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu và các khoản phải trả từ hoạt động kinh doanh (trừ thuế thu nhập và các khoản phải nộp khác sau thuế thu nhập doanh nghiệp);
- Lãi lỗ từ hoạt động đầu tư.
Chuẩn mực kế toán quốc tế số 7 “Statement of Cadh Flows” (IAS7)
Under the indirect method, the net cash flow from operating activities is determined by adjusting profit or loss for the effects of:
(a) changes during the period in inventories and operating receivables and payables;
(b) non-cash items such as depreciation, provisions, deferred taxes, unrealised foreign currency gains and losses, and undistributed profits of associates; and
(c) all other items for which the cash effects are investing or financing cash flows.
Đặt vấn đề
Như vậy, trong khi VAS 24 gọi đơn giản là các khoản doanh thu, chi phí không phải bằng tiền thì khái niệm các khoản phi tiền tệ (non-cash item) đã được đề cập bởi IAS 7. Tuy nhiên, cả hai đều không đưa ra định nghĩa mà chỉ cho thí dụ.
Câu hỏi đặt ra là liệu các khoản chi phí trả trước có phải là một chi phí phi tiền tệ hay không? Phải chăng các khoản này chỉ bao gồm các khoản doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động đầu tư hay tài chính? Các ý kiến trong hội thảo như sau:
1. Một số ý kiến cho rằng nên điều chỉnh chi phí trả trước như một khoản chi phí phi tiền tệ. Lúc đó, trong phần điều chỉnh để ra được khoản lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh thì sẽ trừ cho số thực chi. Cách xử lý này tương tự như chi phí lãi vay.
2. Một số ý kiến khác cho rằng, chi phí trả trước cần điều chỉnh bên dưới vì nó có thể biến động hai chiều tương tự như các khoản vốn lưu động khác (hàng tồn kho, nợ phải thu…)
3. Một số ý kiến cho rằng cần tiếp cận trên mục đích của thông tin trên CF. Theo đó, việc tính chi phí trả trước ở trên (điều chỉnh vào các khoản phi tiền tệ) hay ở dưới (điều chỉnh vào những thay đổi về vốn lưu động) là tùy theo mục đích cung cấp thông tin trên CF.
Đề xuất
Bài viết này đề nghị xem xét vấn đề dưới góc độ mục đích cung cấp thông tin trên CF. Cả hai cách xử lý chi phí trả trước đều không ảnh hưởng đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh mà chỉ ảnh hưởng đến chỉ tiêu “Lợi nhuận trước những thay đổi về vốn lưu động”. Như vậy, chỉ tiêu này thực sự có ý nghĩa gì? Lưu ý rằng chỉ tiêu này không được đề cập chính thức trong chuẩn mực nhưng khi trình bày CF (theo phương pháp gián tiếp), nó thường là 1 dòng trung gian, hàm nghĩa dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trước các khoản phải bù đắp (hoặc được thu hồi) từ vốn lưu động của công ty và những khoản thực chi cần khai báo như chi trả lãi vay hay chi nộp thuế. Và do đó, để giải quyết cấn đề, câu hỏi “liệu chi phí trả trước có phải là một khoản phi tiền tệ không?”sẽ được đổi lại rằng, “liệu chi phí trả trước có thuộc về vốn lưu động hay không?”
Vốn lưu động (working capital) là phần chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Nó thường được phân tích thành 2 bộ phận:
- Nhu cầu vốn lưu động (working capital requirement) bao gồm hàng tồn kho, nợ phải thu khách hàng, chi phí trả trước trừ đi phải trả người bán, chi phí phải trả). Dưới góc độ quản trị tài chính, đây là lượng vốn lưu động doanh nghiệp duy trì trong một chu kỳ sản xuất kinh doanh bình thường. Chỉ tiêu này cho biết việc quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp có tốt hay không.
- Số dư cân bằng thanh khoản (net liquid balance) là là phần chênh lệch giữa các tài sản tài chính ngắn hạn (tiền, đầu tư ngắn hạn…) với các khoản nợ phải trả tài chính ngắn hạn (vay ngắn hạn…).
Trong CF gián tiếp, có thể thấy phần điều chỉnh vốn lưu động chính là thể hiện các thay đổi của nhóm các khoản thuộc về nhu cầu vốn lưu động. Chi phí trả trưóc cũng nằm trong nhóm này nên sẽ là một đối tượng của quản lý vốn lưu động. Nhà quản lý cần phải tính toán để giảm thiểu dòng tiền của mình bị đọng trong các chi phí trả trước. Thí dụ, trong những giao dịch thuê tài sản, dưới góc độ tài chính, người quản lý sẽ xem xét để có thể tìm kiếm được những hợp đồng nào yêu cầu một mức chi phí trả trước thấp hơn.
Việ trình bày sự thay đổi vốn lưu động trên CF không chỉ nhằm mục đích điều chỉnh từ lợi nhuận ra lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, mà quan trọng hơn là giải thích tại sao lại phát sinh chênh lệch giữa lợi nhuận và tiền, qua đó giúp người đọc đánh giá về khả năng điều hành của người quản lý doanh nghiệp. Việc quản lý vồn lưu động tốt sẽ giúp sự chuyển hóa từ lợi nhuận thành tiền được tối ưu.
Dưới góc độ, có thể giải thích chi phí trả trước ngắn hạn với tư cách một khoản nằm trong nhu cầu vốn lưu động, sẽ được điều chỉnh trong phần thay đổi vốn lưu động hơn là trình bày như một khoản chi phí phi tiền tệ.
Cũng trong lập luận đó, chi phí trả trước dài hạn – một khoản chi phí được vốn hóa và phân bổ trong nhiều năm, không nằm trong chính sách quản lý vốn lưu động của doanh nghiệp mà thuộc về phạm vi quyết định dài hạn – cần được phản ảnh bên hoạt động đầu tư và khoản phân bổ vào chi phí hàng năm của nó sẽ được điều chỉnh trên CF như một khoản chi phí phi tiền tệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét