Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Giới thiệu Báo cáo COSO 2004 về Quản trị rủi ro (phần 2)
















Lợi ích của quản trị rủi ro doanh nghiệp


  • Tạo lập sự phù hợp giữa lựa chọn chiến lược và mức rủi ro có thể chấp nhận: khi lựa chọn một chiến lược giữa nhiều khả năng khác nhau thì trước hết phải xem xét mức rủi ro có thể chấp nhận trước, rồi mới đến lựa chọn chiến lược cụ thể, sau đó thiết lập các mục tiêu liên quan đến chiến lược đã được chọn và cuối cùng là cách thức được thiết lập để quản lý các rủi ro liên quan.
  • Làm tăng hiệu quả đối với việc phản ứng với rủi ro: QTRR cung cấp các kỹ thuật và phương pháp cụ thể trong việc nhận dạng và lựa chọn các phương thức phản ứng với rủi ro như né tránh rủi ro, giảm thiểu rủi ro, chuyển giao rủi ro và chấp nhận rủi ro sẽ giúp các nhà quản lý phản ứng với rủi ro một cách hiệu quả.
  •  Giảm thiểu tổn thất bất ngờ trong quá trình hoạt động: QTRR làm tăng khả năng của đơn vị về việc nhận dạng các sự kiện tiềm tàng, đánh giá rủi ro, thiết lập cách thức phản ứng với rủi ro và do đó giảm thiểu những chi phí và tổn thất bất ngờ.
  •  Nhận dạng và quản lý rủi ro xuyên suốt toàn đơn vị: mỗi đơn vị phải đối mặt với rất nhiều loại rủi ro tác động đến nhiều bộ phận khác nhau. Và QTRR đòi hỏi người quản lý không chỉ quản lý các loại rủi ro riêng biệt mà còn phải hiểu được sự tác động lẫn nhau của các rủi ro đó. Từ đó giúp cho đơn vị có cái nhìn hệ thống đối với các loại rủi ro và phản ứng hiệu quả hơn cho mục tiêu tổng thể.
  •  Cung cấp các phản ứng tổng hợp cho nhiều loại rủi ro: QTRR xem xét các rủi ro một cách tổng thể và hệ thống vì vậy các giải pháp phản ứng thường hướng đến được xem xét cho các rủi ro liên quan do đó một giải pháp có thể xử lý cho nhiều rủi ro khác nhau.
  •  Giúp đơn vị nắm bắt những cơ hội trong kinh doanh: QTRR xem xét tất cả các sự kiện tiềm tàng liên quan đến đơn vị không chỉ có rủi ro và vì vậy giúp các nhà quản lý nhận dạng các sự kiện mang đến cơ hội từ đó đưa ra những phản ứng thích hợp để tận dụng những cơ hội đó.
  •  Cải thiện sự phân bổ nguồn vốn của đơn vị: Có được đầy đủ thông tin về rủi ro giúp nhà quản lý đánh giá tổng quát nhu cầu về vốn và tối ưu hoá việc phân bổ vốn của đơn vị. 


Hạn chế của quản trị rủi ro doanh nghiệp 

Tương tự như hệ thống KSNB, một hệ thống QTRR được xem là hữu hiệu, dù đã được thiết kế và vận hành thế nào đi chăng nữa, nhằm cung cấp một sự đảm bảo hợp lý trong việc thực hiện các mục tiêu của đơn vị chứ không đảm bảo tuyệt đối. Điều này xuất phát từ những hạn chế của hệ thống QTRR doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

  • Rủi ro liên quan đến tương lai và chứ đựng yếu tố không chắc chắn. Một chu trình QTRR dù được đầu tư rất nhiều trong thiết kế cũng không thể nhận dạng hết toàn bộ các rủi ro và do đó không thể đánh giá chính xác sự tác động của chúng.
  • Những hạn chế xuất phát từ con người liên quan trong chu trình QTRR như: việc ra quyết định sai do thiếu thông tin, bị áp lực trong sản xuất kinh doanh; sự vô ý, bất cẩn, đãng trí; hiểu sai chỉ dẫn của cấp trên hoặc báo cáo của cấp dưới; việc đảm nhận vị trí công việc tạm thời, thay thế cho người khác;…
  • Sự thông đồng giữa các nhân viên với nhau hay với các bộ phận bên ngoài đơn vị.
  • Khi đưa ra các quyết định, yêu cầu thường xuyên và trên hết là của người quản lý là xem xét quan hệ giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được. Việc phản ứng với rủi ro và tiếp theo đó là các hoạt động giám sát cũng phải đảm bảo rằng lợi ích có được phải lớn hơn chi phí mà đơn vị bỏ ra.
  • Luôn có khả năng những người quản lý lạm quyền trong chu trình QTRR nhằm phục vụ cho các mưu đồ riêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét