Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Giới thiệu Báo cáo COSO 1992 (phần 1)














COSO là gì?

COSO (The Committee of Sponsoring Organizations of the Treadway Commission) là một Uy ban thuộc Hội đồng quốc gia Hoa kỳ về chống gian lận khi lập báo cáo tài chính (The National Commission on Fraudulent Financial Reporting  hay còn gọi là Treadway Commission). Hội đồng quốc gia này được thành lập vào năm 1985 dưới sự bảo trợ của 5 tổ chức là:

  • Hiệp hội kế toán viên công chứng Mỹ (AICPA)
  • Hội kế toán Mỹ (American Accounting Association)
  • Hiệp hội quản trị viên tài chính (the Financial Executives Institute – FEI)
  • Hiệp hội kế toán viên quản trị (Institute of Management Accountants – IMA)
  • Hiệp hội kiểm toán viên nội bộ (the Institute of Internal Auditors – IIA)

Sự ra đời của Hội đồng quốc gia theo sau hàng loạt các sự kiện về tài chính và chính trị ở nước Mỹ thời bấy giờ như vụ Watergate (1973) dẫn đến sự ra đời của Luật chống hối lộ ở nước ngoài (1977); AICPA thành lập một Uy ban đặc biệt về kiểm soát nội bộ (1979); Uy ban quản lý chứng khoán Mỹ (SEC) đưa ra quy định bắt buộc các giám đốc phải đưa ra báo cáo về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với công tác kế toán ở doanh nghiệp[1](1979); AICPA ban hành chuẩn mực kiểm toán số 30[2] (1980); Hội kiểm toán viên nội bộ ban hành chuẩn mực số 1[3] (1983); AICPA ban hành hướng dẫn bổ sung về tác động của việc xử lý bằng máy tính đến kiểm soát nội bộ.

Các sự kiện trên có một điểm chung đó là làm dấy lên sự quan tâm của công chúng đến vấn đề kiểm soát nội bộ bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước, các nghị sĩ, các giám đốc điều hành, các kế toán và kiểm toán viên…vv. Thực tế trên đã tạo ra rất nhiều định nghĩa, quan điểm khác nhau về kiểm soát nội bộ (KSNB) cũng như cách thức đánh giá thế nào là một hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) hữu hiệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, giới doanh nhân và học giả. Báo cáo COSO ra đời nhằm đưa ra một định nghĩa, một cách hiểu chung được chấp nhận rộng rãi về KSNB và cũng nhằm hỗ trợ các nhà quản lý doanh nghiệp thực hiện kiểm soát tốt hơn doanh nghiệp của mình.

Quá trình hình thành Báo cáo COSO

Báo cáo COSO (sau đây gọi tắt là Báo cáo) là kết quả của một dự án được thực hiện qua bảy giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Thu thập các tài liệu từ trước đến nay về KSNB
Các tài liệu đựơc thu thập có thể đề cập trực tiếp đến KSNB cho mục tiêu lập báo cáo tài chính hoặc KSNB nói chung (ví dụ: thu thập các tiêu chuẩn nhằm đánh giá sự hữu hiệu của KSNB tại một cơ sở y tế, một trường học hay một bộ phận chức năng trong doanh nghiệp). Ban soạn thảo đã đọc tóm tắt của khoảng 1.700 bài báo, tựa sách và các ấn phẩm khác và chọn ra 700 tài liệu để nghiên cứu chi tiết.

Giai đoạn 2: Phỏng vấn
Ban soạn thảo chọn ngẫu nhiên 45 cá nhân để phỏng vấn họ về KSNB (bao gồm 14 giám đốc tài chính, 8 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, 8 giám đốc của các công ty kiểm toán có quy mô khác nhau, 5 học giả và một số cá nhân khác). Kết quả phỏng vấn được tổng hợp theo mẫu thống nhất.

Giai đọan 3: Gửi bảng câu hỏi

Bảng câu hỏi được thiết kế để thu thập các ý kiến bổ sung cho một số vấn đề mà Ban soạn thảo thấy cần phải làm rõ thêm. Các vấn đề này được chọn ra từ kết quả của hai giai đoạn trước. Ban soạn thảo đã nhận được 522 Phiếu trả lời từ nhiều đối tượng khác nhau như: các nhà quản lý, các giám đốc tài chính, các kiểm soát viên, kiểm toán viên nội bộ và độc lập, các nghị sĩ và học giả.

Giai đoạn 4: Tổ chức hội thảo
Tổng cộng 8 hội thảo đã được tổ chức để thu thập ý kiến cho Dự thảo báo cáo sơ bộ (bao gồm 5 hội thảo độc lập do 5 tổ chức tài trợ chủ trì cùng với 3 hội thảo chung). 

Giai đoạn 5: Dự thảo báo cáo
Sau các hội thảo trên, Ban soạn thảo đã hình thành được Dự thảo báo cáo và phát ra 40.000 bản nhằm tiếp tục lấy ý kiến đóng góp. Kết quả là Ban soạn thảo đã nhận được 211 thư góp ý cho Dự thảo.

Giai đoạn 6: Kiểm nghiệm thực tế
Nội dung của Dự thảo được kiểm nghiệm thực tế tại 5 công ty thuộc các ngành nghề khác nhau (quy mô các công ty từ mức dưới 10 triệu đô la Mỹ doanh thu mỗi năm cho tới hàng tỷ đô la. Ban soạn thảo xem xét các bộ phận của HTKSNB được vận dụng trong thực tế như thế nào. Mỗi bộ phận được tập trung vào ít nhất một hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Ngoài ra Ban soạn thảo cũng đánh giá các thủ tục kiểm soát đối với từng mục tiêu như mục tiêu báo cáo tài chính, mục tiêu hoạt động và mục tiêu tuân thủ.

Giai đoạn 7: Sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo
Sau giai đoạn kiểm nghiệm thực tế trên, 3.000 bản Dự thảo (sửa đổi) đã được phát ra nhằm thu thập thêm ý kiến và Ban soạn thảo đã nhận được 45 thư góp ý. Sau đó, 12 cuộc họp (quy mô tương đương cuộc hội thảo) cũng đã được tổ chức để nghe các góp ý từ đại diện của SEC, Ngân hàng trung ương Mỹ, Hiệp hội ngân hàng Mỹ (ABA) và đại diện của 5 tổ chức tài trợ. Ngoài ra, rất nhiều cá nhân từ các trường đại học, các doanh nghiệp, công ty kiểm toán, tư vấn đã có những đóng góp bổ ích cho quá trình soạn thảo. Kết quả là Báo cáo COSO đã được ban hành năm 1992 như chúng ta thấy ngày nay.

Mai Đức Nghĩa (Bộ môn Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế TPHCM)


[1] Statement of Management on Internal Accounting Control (SEC Release  No. 34-15772)
[2] Statement on Auditing Standards No. 30, Reporting on Internal Accounting Control
[3] Statement on Internal Auditing Standards No. 1, Control: Concepts and Responsibilities

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét